Lượt xem: 2590

Công việc thầm lặng của nữ Điều dưỡng Trưởng, Khoa Phẫu thuật - Gây mê - Hồi sức

Thông thường sau một ca phẫu thuật thành công, thì mọi người đều nghỉ rằng đó là công lao của bác sĩ, phẫu thuật viên mà quên đi rằng, đằng sau thành công của mỗi ca phẫu thuật có sự đóng góp rất lớn của người điều dưỡng. Họ là những người chuẩn bị mọi thứ trước, trong và sau ca phẫu thuật. Họ luôn ân cần, cởi mở, nhiệt tình quan tâm giúp đỡ người bệnh cũng như các đồng nghiệp trong đơn vị.

    Bác sĩ Nguyễn Thị Lạc - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng cho biết: Khoa Phẫu thuật - Gây mê - Hồi sức của Bệnh viện là một đơn vị chuyên môn kỹ thuật ngành Y tế khá đặc biệt, nhân sự gồm 51 người, trong đó có 5 bác sĩ và nữ chiếm tỷ lệ cao. Phát huy tinh thần phụ nữ tích cực học tập lao động, sáng tạo, chị em phụ nữ khoa luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau an tâm công tác, yêu ngành, yêu nghề, hết lòng vì người bệnh, đồng thời luôn có mặt, khẳng định mình trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, đóng góp tích cực vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ của bệnh viện. Thành tích đó có sự đóng góp không nhỏ của chị Bùi Châu Thu Thảo – Điều dưỡng Trưởng, Khoa Phẫu thuật - Gây mê - Hồi sức Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng.

Điều dưỡng Trưởng Bùi Châu Thu Thảo đang trao đổi cùng đồng nghiệp. Ảnh C.X.L

    Trò chuyện cùng chúng tôi, chị Thu Thảo cho biết, chị sinh ra và lớn lên ở thành phố Sóc Trăng. Tốt nghiệp hệ điều dưỡng trung học của Trường Trung cấp Y tế Hậu Giang, năm 1987 chị về công tác tại Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng cho đến nay.

    Một ngày làm việc của chị Thu Thảo bắt đầu bằng cuộc họp giao bàn để sắp xếp và phân công nhiệm vụ. Sau đó là dọn dẹp phòng phẫu thuật, kiểm tra lại các trang thiết bị, phương tiện, thuốc men và hỗ trợ tiếp đón bệnh nhân vào phòng phẫu thuật, giúp bệnh nhân ổn định tâm lý.

    Nói về công việc của mình, chị Thảo cho biết: “Công việc của tôi là giám sát kỹ thuật chuyên môn, quản lý tài sản, sắp xếp nhân lực cho phòng phẫu thuật. Áp lực công việc rất lớn, bình quân mỗi ngày chúng tôi phải thực hiện cho từ 25-30 ca phẫu thuật, có ngày lên đến trên 40 ca. Vì thế, việc đảm bảo dụng cụ cho từng ca phẫu thuật, thậm chí cho từng đối tượng cũng là việc không dễ dàng chút nào. Rồi phải giám sát dụng cụ trước phẫu thuật, sau phẫu thuật đảm bảo an toàn. Rất vất vả nhưng tôi vẫn cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Sau mỗi ca phẫu thuật thành công, bệnh nhân an toàn, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, vui với niềm vui của gia đình bệnh nhân”.

    Theo chị Thảo, điều dưỡng là người tiếp xúc đầu tiên với người bệnh, vì thế chị luôn xác định thái độ ứng xử là khâu hết sức cần thiết đối với người điều dưỡng. Với cương vị là một điều dưỡng trưởng, chị luôn ý thức đây là nhiệm vụ và là công việc vô cùng vất vả, khó khăn. Vì vậy, để làm tốt công việc được giao trong mỗi tình huống, mỗi cử chỉ cư xử với người bệnh chị luôn ân cần, cởi mở, hoà nhã, không gây phiền hà cho họ, dành thời gian thăm hỏi, động viên người bệnh nhằm tạo mối quan hệ thân thiện để nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng và sẵn sàng giải thích những băn khoăn, thắc mắc giúp cho người bệnh yên tâm, tin tưởng khi đến khám và điều trị tại bệnh viện. Chị luôn theo dõi, quản lý, hướng dẫn, giúp đỡ các đồng nghiệp, nhất là những đồng nghiệp trẻ, mới vào nghề, đồng thời luôn học hỏi từ thực tế, kinh nghiệp qua các đồng nghiệp, tài liệu để nâng cao trình dộ chuyên môn, nghiệp vụ của mình.

    Tâm sự với chúng tôi, chị Thu Thảo cho biết: “Điều dưỡng là công việc vất vả nhưng tôi xác định đã chọn nghề thì phải yêu nghề, phấn đấu hy sinh vì nghề nghiệp, nêu cao y đức của người thầy thuốc, xem bệnh nhân là người thân yêu ruột thịt của mình. Có nhiều trường hợp, người nhà bệnh nhân hay bệnh nhân do tâm lý lo lắng, nóng ruột nên hay to tiếng, thậm chí chửi bới, đe dọa nhưng tôi không buồn mà chỉ biết cố gắng chia sẻ, động viên để bệnh nhân và người nhà của họ yên tâm”.

    Không chỉ có những thái độ, cử chỉ đúng mực, ân cần với bệnh nhân và thân nhân của họ, chị Thu Thảo còn truyền cả những cử chỉ ân cần đó sang cho các đồng nghiệp trẻ tuổi trong Khoa và sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ mọi người trong công việc, trong cuộc sống. Để từ đó, tạo tinh thần đoàn kết nhất trí cao trong đơn vị, mọi người yên tâm công tác, có thái độ chu đáo, ân cần, nhẹ nhàng với bệnh nhân và nâng cao tay nghề trong công tác điều trị cho người bệnh.

    Bác sĩ Nguyễn Thị Lạc nhận xét: “Là một điều dưỡng viên lại kiêm thêm trách nhiệm của một người Điều dưỡng Trưởng, chị Thảo luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm và y đức nghề nghiệp, gương mẫu về mọi mặt, không ngừng học tập, trau dồi những kiến thức mới để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Chị xứng đáng là một tấm gương để các đồng nghiệp trong Khoa và trong toàn Bệnh viện noi theo”.

    Đến nay đã 33 năm với công việc của người điều dưỡng, chị Thu Thảo đã không ngừng nỗ lực phấn đấu rèn luyện vươn lên, đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho mọi người. Với những thành tích đó, Điều dưỡng Trưởng - Bùi Châu Thu Thảo đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, nhiều năm liền là Chiến sĩ thi đua cơ sở; nhận Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân”. Tấm gương của chị Thu Thảo thực sự xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”.
Cao Xuân Lương


Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 40
  • Hôm nay: 8027
  • Trong tuần: 78,734
  • Tất cả: 11,802,054